Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2012

MÂY – GIÓ – CÁT – ĐẤT

Bao nhiêu người vì cô đơn mà yêu sai một người, lại có bao nhiêu người vì yêu sai một người mà cô đơn một đời?
VN:F [1.9.3_1094]
please wait...
Mây chỉ cần lúc nào cũng cảm thấy Gió ở bên cạnh, nghe thấy tiếng cô cuời, thì trong lòng đã thoả mãn lắm rồi. 
Mây, trông xa xa…
Chuyện tình yêu giữa Mây – Gió – Cát – Đất là câu chuyện có một không hai trên đời. Mây yêu Gió, Gió yêu Cát, nhưng Cát với Đất lại quyến luyến nhau. Gió thề rằng sẽ tìm và mang đến cho Cát hạnh phúc, Mây cũng ngầm hạ quyết tâm phải lặng lẽ giữ Gió ở lại, cho đến khi tình yêu của mình phút chốc bỗng hoá thành nước mắt, thân thể tan biến đi không còn bóng hình.
Gió và Cát bên nhau từ nhỏ, Gió vẫn thích thổi cho Cát chạy, chơi đùa với anh. Gió coi đó là mối tình đầu tiên, nhưng Cát lại chỉ cảm thấy đó là một tình bạn tốt, là bởi vì Cát yêu Đất. Hai năm sau, Gió phải ra đi, cô ngốc nghếch cho rằng làm như thế sẽ khiến Cát vui vẻ. Đem theo lời chúc phúc và nỗi nhớ nhung dành cho Cát, Gió đi rồi, đi thật xa, thật xa.
Trong vòng ba năm kế tiếp, Gió tìm đến với rất nhiều người bạn, suối, sông, cỏ, hoa, mặt trời, trăng, trong đó Cây là chị em tốt nhất của cô, hai người luôn gắn với nhau như bóng với hình. Gió dường như rất vui vẻ, cũng dần dần quyên đi mọi chuyện.
Trái tim Gió tràn ngập tình yêu thương, cô thích các loại côn trùng, thậm trí ngay đến một con bươm bướm gãy cánh cũng khiến cô rơi nước mắt, tự tay cô nâng nó lên bầu trời, rồi lại đỡ để cho nó tiếp tục bay nhảy.
Năm thứ tư. Vào cái lúc Gió mùa hè thổi qua cây, Mây và Gió gặp lại nhau.
Gió yêu Mây. Gió gặp bất cứ chuyện gì cũng đều kể cho Mây nghe, Mây cũng vui vẻ nghe Gió kể. Nghe những chuyện Gió kể, Mây chưa bao giờ cảm thấy chán. Mỗi khi Mây bệnh hoặc là không vui, một câu nói của Gió thôi cũng khiến tinh thần mây lập tức phấn chấn.
Một năm nữa lại qua đi, Mây dần dần phát hiện ra mỗi tình đầu đã trở thành tình yêu từ bao giờ. Anh nguyện vì Gió mà vứt bỏ tất cả. Anh để cho Gió tự do, hạnh phúc khi thấy gió vui vẻ, vui vẻ khi thấy gió hạnh phúc, anh thậm trí còn quên mất rằng mình đang tồn tại. Cứ thế cho đến một lần, lúc Gió thổi đến một cách đau khổ, khóc thút thít, Mây không kìm lòng được khóc cùng với gió, nếu như mọi ngày, anh nhất định sẽ an ủi Gió dù chẳng biết nói gì. Lần đầu tiên, Mây rơi xuống, tình yêu đều hoá thành nước mắt. Mây biết, mình yêu Gió thật rồi.
Từ đó về sau, Gió thích thổi cho mây bay, Mây cũng không hề cảm thấy mệt, bọn họ đều vui vẻ.
Lại sắp đến mùa Mây và Gió gặp lại nhau. Một ngày, Gió đang mải mê chơi đùa, bất ngờ, cô nhìn thấy Cát. Không chỉ là một người, Cát vừa đem theo Đất cùng đi, vừa cười nói. Trong tíc tắc, trái tim Gió run lên. Bây giờ cô mới hiểu ra rằng, thì ra, trong lòng mình từ trước đến nay chưa hề quên Cát, người cô yêu vẫn là anh.

Vốn dĩ cô cho rằng mình đã quên đi anh, giờ đây trong lòng lại khơi dậy một nỗi đau mờ ảo. Khi cô thổi qua Cát, Cát không bay, là vì anh đang với đất vui vẻ. Gió có thể làm gì bây giờ ?. Cô lại yên lặng, cho đến đêm, thút thít một mình. Lần đó, Mây không biết. Nhưng đêm đó, Mây hình như cảm thấy gió đang đau, trằn trọc không ngủ được. Mưa, suốt một đêm.
Ngày thứ hai, Mây phát hiện thái độ của Gió đã khác đi rất nhiều, không còn chủ động tìm Mây để chơi, không còn chủ động tìm mây nói chuyện, nhưng với người khác hình như rất vui vẻ, xem như mây không còn tồn tại nữa.
Mây cứ nghĩ xem mình đã làm sai điều gì, anh nghĩ suốt một đêm, trong đầu nghĩ ra đủ mọi đáp án, nhưng anh không có dũng khí nói ra để mây giải đáp.
Cứ thế cho đến một ngày, Mây biết chuyện của Gió và Cát, ngày xưa anh chẳng để ý đến những điều đó, vì Gió từng nói những hồi ức đẹp đẽ của hai người bọn họ chỉ là giả tưởng.
Mây, suy sụp mất rồi. Thế giới của anh bây giờ,tất cả đều tối tăm. Anh không hiểu ngày hôm đó chuyện gì đã sảy ra, vì sao Gió lại thay đổi nhiều đến thế. Anh càng không hiểu vì sao Gió vừa thú nhận xong lại lập tức phủ nhận. Mây chịu đựng không được những chuyện này. Anh từng nghĩ sẽ ra đi, đem theo lời chúc phúc và nỗi nhớ nhung dành cho gió mà đi, anh ngu ngốc cho rằng làm như thế gió sẽ vui vẻ. Thế nhưng, Mây cũng nhanh ****ng xoá cái ý nghĩ đó khỏi đầu. Anh vẫn nhớ, một năm trước đây, mình đã từng hạ quyết tâm sẽ làm cho Gió hạnh phúc. Điều đó đối với mây, là trách nhiệm cả một đời, phải dùng một đời để thực hiện. Mây không trách Gió.
Gió càng có thêm lòng tin rằng sẽ tìm hạnh phúc đến cho Cát, Mây cũng vậy. Anh không thể nhìn bộ dạng Gió cả ngày buồn bã, cũng không muốn chứng kiến Gió khóc một mình ở cái xó nào đó. Vì Gió, Mây bắt đầu chăm sóc cho Cát. Anh hy vọng cát có thể vui vẻ, bởi chỉ có người đang yêu mới biết, chỉ khi người mình yêu vui vẻ thì mình mới vui vẻ. Mây cứ thế bỏ lại tất cả, yêu hay không đã không còn có giá trị, chỉ là đồng ý hay không đồng ý.
Mấy ngày nữa qua đi, Gió có vẻ đã vui trở lại. Nhìn thấy khuôn mặt Gió cười, với Mây thế là đủ rồi.
Có lẽ Gió chẳng biết được những điều Mây đang làm, cả đời này cũng không thể hiểu được. Cũng có lẽ có một ngày nào đó Gió hiểu được tình yêu của mây mà đi tìm anh, nhưng cũng sẽ tìm không được dấu tích của Mây. Gió cứ gọi tên Mây, nhưng không nghe thấy tiếng Mây trả lời. Mây tan rồi. Gió chưa từng biết, vì để Cát không bị cằn cỗi, để Cát phì nhiêu, Mây mỗi ngày đều tạo mưa xuống, song, như thế là Mây đang không ngừng huỷ hoại sinh mệnh của chính mình. Lần cuối cùng Mây vì tình yêu với Gió mà hoá thành mưa xuống cho Cát, cũng là lúc cuộc sống của anh kết thúc.

GIÁ TRỊ CỦA THỜI GIAN

Để biết giá trị của một năm, hãy hỏi người sinh viên không được lên lớp.
Để biết giá trị của một tháng, hãy hỏi bà mẹ đã sinh con sớm.
Để biết giá trị của một tuần, hãy hỏi biên tập viên của một tờ báo phát hành mỗi tuần.
Để biết giá trị của một phút hãy hỏi một người vừa bị lỡ chuyến tàu.
Để biết giá trị của một giây hãy hỏi một người vừa tránh được một vụ tai nạn.
Để biết được giá trị của một phần nghìn giây, hãy hỏi người chỉ giành được cúp bạc trong thế vận hội Olympics.
Hãy trân trọng từng giây phút bạn có. Và càng trân trọng nó hơn vì đó là những khoảnh khắc quý giá bạn có thể dành cho những người thân yêu.
Bạn hãy nhìn mà xem, chiếc kim đồng hồ lúc nào cũng chạy!
Thời gian không đợi chờ ai bao giờ cả.
Ngày hôm qua đã thành quá khứ.
Ngày mai quá bí ẩn.
Chỉ có ngày hôm nay chính là một món quà. Hãy sống cho hiện tại.

THỬ NHÌN LẠI HỆ THỐNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC VIỆT NAM

Hệ thống giáo dục Việt Nam cũng như của các xứ trên thế giới được chia thành 3 bậc, mỗi bậc chia thành 2 hay 3 cấp:
1.     Bậc tiểu học (sơ cấp & bổ túc) = enseignement primaire = primary education
2.     Bậc trung học (cấp 1 & cấp 2) = enseignement secondaire = secondary education
3.     Bậc đại học (cử nhân/ kỹ sư, cao học & tiến sĩ) = enseignement tertiaire (superieur) = tertiary education.
Dưới đây tôi sẽ nhắc lại đại thể hệ thống giáo dục đại học Miền Nam trước 30-4-1975 để nhớ lại thời còn ngồi ở ghế nhà trường mà nay tóc đã bạc và cũng để ghi công sức của những bàn tay, khối óc đã góp phần phát triển nền giáo dục nước nhà.

TỔ CHỨC CĂN BẢN
Miền Nam trước 30-4-1975 không có Bộ Đại học. Trong ban lãnh đạo của bộ Giáo dục thường có một thứ trưởng đặc trách đại học. Công việc và trách nhiệm của vị nầy tương đối nhẹ - chủ yếu về chánh sách - vì các viện đại học đối với Bộ Giáo Dục là cơ quan ngoại vi (không trực thuộc mà cũng không tự trị; sẽ trở lại).  
Viện đại học: một đơn vị tổng hợp (Uni-versity) gồm nhiều bộ phận gọi là:
           Phân khoa đại học (Faculté, ngắn gọn là Khoa), thí dụ: Viện Đại học Sai-gon gồm nhiều phân khoa như Y khoa = Faculté de Médecine,…; hay còn gọi là:          
           Trường đại hoc (College, School), thí dụ: Viện Đại học Bách khoa Thủ Đức gồm có 7 trường đại học như trường đại học Cao cấp = College of Graduate Studies....
Ngành học (departement = department): mỗi phân khoa/ trường có nhiều ngành; trường đại học Kỹ thuật dạy nhiều ngành, ngành Công chánh, ngành Công nghệ, v.v…
Ban (section?): mỗi ngành có thể gồm nhiều ban. Phân khoa đại học Sư Phạm Saigon gồm 2 ngành: Văn và Khoa học. Ngành Văn phân ra làm 5 ban: ban Triết, ban Việt Hán, ban Sử Địa, ban Anh văn, và ban Pháp văn; về sau ban Triết chuyển đi và nhập vào Viện đại học Đàlat (thông thường cấp ban là tổ chức nội bộ)
Trung tâm chuyên môn: trong phạm vi mỗi viện đại học còn có một số trung tâm chuyên môn (tùy theo nhu cầu): nghiên cứu, ngoại ngữ, sinh viên vụ, v.v…
Chức vụ: Đứng đầu một viện đại học là viện trưởng (recteur = university president), đứng đầu một phân khoa / trường đại học là khoa trưởng (doyen = dean), và đứng đầu mỗi ngành có giám đốc ngành hay trưởng ngành (chef de departement = department head). Các chức vụ trên do hành pháp bổ nhiệm (thường theo đề nghị của Viện Trưởng)
Các viện đại học công lập VNCH không có Hội đồng Quản trị (Board of Trustees/ of Governors) như ở Mỹ vì là cơ quan ngoại vi của bộ Giáo Dục, nhưng có Hội đồng Khoa, Hội đồng Viện để quyết định về điều hành nội bộ.
Tự trị đại học: Đại học Mỹ có quyền tự trị. Đại học Miền Nam trước 1975 chỉ được bán tự trị (theo tôi nghĩ). Về học vụ và điều hành thì các cơ sở đại học được tự trị; các hội đồng khoa và hội đồng viện có quyền thảo luận và quyết định, không phải trình báo hay xin chĩ thị gì cả. Nhưng về tài chánh thì không. Thật vậy, các viện đại học có chương mục ngân sách riêng, nhưng mỗi chương mục ngân sách riêng là một bộ phận của ngân sách bộ GD (ngân sách bộ GD lại là một bộ phận của ngân sách Quốc gia) phải được Quốc hội chấp thuận. Mỗi chi tiêu phải qua thủ tục “kiểm soát ước chi” do bộ Tài chánh thi hành để kiểm soát. Ngoài ra, nhân viên hành chánh các cấp và nhân viên giảng huấn các ngạch là “công chức” quốc gia. Tân tuyển, cải ngạch, thăng trật, bổ nhiệm,… phải qua thủ tục “chiếu hội công vụ” do phủ Tổng ủy Công vụ thi hành để kiểm soát. Tóm lại, hoạt động của cơ quan công quyền thời VNCH trong đó có cả viện đại học thường phải theo “thể lệ hành chánh và tài chánh hiện hành”. Nói thế chứ tiến trình chiếu hội, kiểm soát khá nhanh.
Mỗi năm sinh viên chỉ đóng tiền ghi danh học và tiền ghi danh dự thi, tiền xử dụng phòng thí nghiệm. Sinh viên đại học Sư phạm lại được hưởng trợ cấp hàng tháng. Tiền đâu để cơ quan đại học điều hành và phát triển, để trả lương nhân viên mà nói đến tự trị đại học (như ở Mỹ). Năm 1974 Thủ tướng chánh phủ VNCH có ký Nghị định cho thành lập Quỹ Phát Triển Đại Học, tiền quỷ sẽ là tiền học phí do sinh viên đóng. Bộ GD có yêu cầu các đại học đem ra thảo luận. Tôi đề nghị tạm ngưng. Vùng II đang di tản, sinh viên biết việc thu học phí sẽ gây rối, bọn nằm vùng sẽ thừa cơ hội. Giặc ngoài, loạn trong, thì…chết! 

HỌC VỤ
Giáo dục đại học ở Miền Nam có 3 cấp và 2 hướng, với nhiều loại bằng cấp. Đầu vào là bằng Tú tài toàn phần hoặc bằng tú tài toàn phần và thi tuyển.
           Cấp 1 (học 4 năm, học 3 năm trước 1967 - 1968?; undergraduate Mỹ): nếu theo hướng đại cương thì sau 4 năm học thành công lấy bằng cử nhân như cử nhân Triết, cử nhân Toán, v.v…; nếu theo hướng chuyên nghiệp thì lấy bằng tốt nghiệp như tốt nghiệp ĐHSP, tốt nghiệp QGHC, v.v… và Kỹ sư như kỹ sư Điện, kỹ sư Canh nông, v.v… (License = Bachelor’s degree của Mỹ)
           Cấp 2 (học thêm 1-2 năm;graduate Mỹ): thi lấy bằng Cao học (Maitrise = Master’s degree)…
           Cấp 3 (học thêm 2-3 năm;graduate Mỹ): làm luận án thi lấy bằng Tiến sĩ (docteur d’Etat, Ph.D của Mỹ) 
Ngành Y, vì có thực tập bệnh viện nên sau khi đã học xong lớp dự bị (hoặc PCB/ SPCN) phải học liền 6 năm hay hơn mới hết chương trình huấn luyện, trình luận án lấy bằng Bác sĩ (Tiến sĩ Y khoa). 
Ngành Dược và ngành Nha có 2 cấp:
           cấp 1, học (1 + 4) năm, bằng tốt nghiệp Dược Sĩ hay Nha Sĩ (Ghi chú: ngày nay, sinh viên - đh-xhcn - học 5 năm lấy bằng thạc sĩ như MBA Mỹ gọi là ‘Thạc sĩ Quản trị’. Trước 30-4-75, các giáo sư thạc sĩ Y khoa, Kinh tế, Luật khoa đều có bằng tiến sĩ trước khi dự thi thạc sĩ (tại Pháp)
           cấp 2, học thêm 2 năm (mới mở), bằng tiến sĩ (chưa có sinh viên tiến sĩ ra trường). 
Chương trình học (curriculum) tại nhiều phân khoa theo hướng kỹ thuật & chuyên nghiệp được xếp theo năm -- năm thứ 1, thứ 2,…-- với các môn học được ấn định trước. Cuối năm sinh viên phải thi cuối khóa: đỗ thì lên lớp trên, hỏng thì học lại lớp vừa qua hoặc bị nghĩ học (tiếng lóng là “ra ngang hông” = sortie laterale). Tại các phân khoa theo hướng đại cương như Văn khoa, Khoa học hệ thống Chứng chỉ (certificats) được áp dụng cho từng ngành học; các chứng chỉ - nếu thi đỗ - được tồn trử để lập thành Văn bằng cuối cấp học.Hệ thống Tín chỉ (credit hours) được đưa ra thảo luận nhưng chưa áp dụng rộng rải.

MẠNG LƯỚI ĐẠI HỌC
Đại Học Công Lập 
Thời kỳ “Phi cao đẳng bất thành phu phụ” 
Dưới thời Pháp thuộc, ba xứ Việt-Miên-Lào gọi là Liên bang Đông Dương có một cơ quan giáo dục đại học, đó là Viện Đại học Đông Dương (Université Indochinoise) đặt tại Hà nội. Văn kiện thành lập được Toàn quyền ĐD ký tháng 5 năm 1906 nhưng Viện Đại học Đông Dương chỉ thực sự hoạt động từ sau năm 1917, với nhiều sửa đổi trong quá trình cải tiến. 
Các gia đình giàu có ở miền Nam thường gởi con em sang Pháp học đại học; còn những gia đình khá giả cho con em ra Hà-nội học tại một trong các trường sau đây:
1.      Trường Y Dược (Ecole de Médecine et de Pharmacie)
2.      Trường Luật (Ecole de Droit).
3.      Trường  Cao đẳng Sư phạm (Ecole de Pedagogie)
4.      Trường Thú y (Ecole Vétérininaire)
5.      Trường Cao đẳng Công chánh (Ecole des Travaux publics)
6.      Trường Cao đẳng Canh nông (Ecole Supérieure d'Agriculture)
7.      Trường Cao đẳng Thương mãi (Ecole Supérieure de Commerce)

Đại học cấp Quốc gia
Viện Đại học Sai-gon 
Tôi chỉ biết trước 1954 ở Saigon có đại học Y Dược, cơ sở hành chánh đặt tại đường Testard sau là đường Trần Quý Cáp. Sau hiệp định Genève 1954, đất nước chia đôi. Một số đông sinh viên và phần lớn ban giảng huấn Viện Đại học Đông Dương di cư vào Nam, phối hợp tổ chức với các trường hiện hửu tại Saigon để thành lập Viện Đại học Quốc gia Việt Nam, sau đổi tên là Viện Đại học Sai-Gon (11–5–1955). Viện Đại học Sai-Gon vào những năm 1970 có 8 phân khoa sau đây:
           Y khoa, Dược khoa, Nha khoa (Răng Hàm Mặt),
           Sư phạm, Văn khoa, Khoa học, Luật khoa,
           Kiến trúc. 
Ngoài ra, Viện còn có Trung tâm Sinh ngữ, trường Sư phạm kiểu mẫu Thủ Đức, cư xá Minh Mạng cho nam sinh viên, cư xá (đường) Trần Quy Cáp cho nữ sinh viên. 
Viện Đại học Huế
Huế là cố đô của Việt Nam (thời nhà Nguyễn), là một trong những trung tâm văn hoá truyền thống của quê huơng ta. Quốc tử giám Huế ra đời năm 1803 là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên ở Huế.
Được thành lập tháng 3 năm 1957 do Sắc lệnh của Tổng thống VNCH-I, viện Đại học Huế gồm 4 phân khoa đại học: Sư phạm, Y khoa, Văn khoa, Luật khoa; và một số trường chuyên môn phụ thuộc: Cao đẳng Mỹ thuật, Viện Hán học, Nữ hộ sinh quốc gia và Trường cán sự Y tế và Điều dưỡng.
Viện Đại học Huế đã chia xẻ bao nỗi thăng trầm của vận nước: Huế thầm lặng, Huế xuống đường, Huế hổn loạn, nhưng Huế chổi dậy. Viện Đại học Huế đã đào tạo được nhiều giáo sư, bác sĩ, chuyên viên cần thiết cho công cuộc phát triển kinh tế-xã hội miền Trung Việt Nam.
Viện Đại học Cần Thơ (1966 - 1975)
Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng có tiềm năng về nông sản và thủy sản, cá tôm cua đầy đồng. Cần Thơ được gọi là Tây đô (thủ đô miền Tây) đóng vai trò đầu tàu trong việc phát triển kinh tế, văn hoá-xã hội của vùng. Sinh viên miền Tây hiếu học nhưng không đủ khả năng tài chánh đi học xa nhà; phụ huynh mong muốn con em có nơi học hành để có cơ hội tiến thân.Viện Đại học Cần Thơ được thành lập để đáp ứng các nhu cầu khẩn thiết của xả hội.
Được thành lập ngày 31-03-66 do Nghị định của Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương (thủ tướng), Viện Đại học Cần Thơ có bốn khoa: Khoa học, Văn khoa, Luật khoa và Khoa học Xã hội, Sư phạm (có Trường Trung học Kiểu mẫu). Ngoài ra, còn có trường Cao đẳng Nông nghiệp đào tạo hệ kỹ sư và Trung tâm Sinh ngữ. Cơ sở vật chất của Viện gồm có khu hành chánh, học khu, thư viện, lưu trú xá nữ sinh viên, trường Trung học Kiểu mẫu, và Trường Cao đẳng Nông nghiệp.
Viện Đại học Bách khoa Thủ Đức (ViệnĐHBKTĐ = Thủ Đức Polytechnic University)
Để chuẩn bị cho giai đoạn tái thiết nước nhà, việnĐHBKTĐ được thành lập do Sắc lệnh của Tổng Thống VNCH-II và đi vào hoạt động đầu năm 1974. Đây là viện đại học cấp quốc gia (university), chuyên về khoa học, kỹ thuật (polytechnic), có khu đại học = campus rộng khoảng 600 hec-ta tại quận Thủ Đức, cạnh xa lộ Biên hòa và xa lộ Đại Hàn (trước 1975, các cơ sở của Viện còn nằm rải rác đó đây). ViệnĐHBKTĐ là cơ quan mới mà củ: mới vì mới có Sắc lệnh thành lập, củ vì một số trường đã hoạt động từ lâu nay nhập vào viện. Viện có 7 trường gồm 3 trường củ và 4 trường mới:
1.      Trường Đại học Kỹ thuật (củ): (29/6/1957) Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ gồm bốn ngành Cao đẳng Công chánh, Cao đẳng Điện lực, Kỹ sư Công nghệ, và Việt Nam Hàng hải; về sau có thêm Trường Cao đẳng Hóa học -> (1972) Học viện Quốc gia Kỹ thuật -> (1974) Trường Đại học Kỹ thuật; [ghi chú: -> đổi tên]
2.      Trường Đại học Nông nghiệp (củ): (1955) Trung tâm Quốc gia Nông Lâm Súc -> (1972) Học viện Quốc gia Nông nghiệp -> (1974) Trường Đại học Nông nghiệp;
3.      Trường Đại học Giáo dục Kỹ thuật (củ): Trung tâm Huấn luyện Sư phạm Kỹ thuật -> (1974) Trường Đại học Giáo dục Kỹ thuật;
4.      Trường Đại học Kinh Thương = Kinh tế Thương mại (mới)
5.      Trường Đại học Khoa học Căn bản (mới)
6.      Trường Đại học Thiết kế Thị Thôn (mới)
7.      Trường Đại học Cao cấp = College of Graduate Studies (mới): sau khi đỗ bằng Cử nhân hay kỹ sư sinh viên có thể tiếp tục học lên để thi lấy bằng Cao học và Tiến sĩ. Năm 1974 ngành Công chánh đã thành lập Ban Cao học.

Là thiếu sót nếu không đề cập đến Học viện Quốc gia Hành chánh và Trường Võ Bị Quốc gia Đà lạt. Hai trường cũng thuộc hệ giáo dục 4 năm, thuộc hai Bộ khác. 

Học viện Quốc gia Hành chánh (thuộc Phủ Thủ tướng)
Học Viện Quốc gia Hành chánhđược thành lập ngày 29-5-1950 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ QGVN với mục đích đào tạo, bồi dưỡng công chức hành chánh các cấp từ Trung ương đến địa phương và chuyên viên các nghành thuế vụ, ngoai giao. Trước tiên Học viện đặt tại Đà lạt, sau dời về Sai-gon trên đường Alexandre de Rhode, và từ năm 1958 trụ tại đường Trần Quốc Toản trong một cơ sở rộng lớn. Từ năm 1967, Học viện Quốc gia Hành chánh mở thêm ban Cao học với học trình là 2 năm.

Trường Võ Bị Quốc gia (tại Đà lạt, thuộc Bộ Quốc phòng)
Tại trường Võ bị Quốc gia, từ khóa 22B (năm 1965) chương trình học là 4 năm. Sinh viên Sĩ quan học “môn chính” là Võ khoa và “môn phụ” gồm Toán, Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xả hội. Năm 1972, Chỉ huy trưởng trường có mời phái đoàn Bộ Giáo Dục gồm Tổng trưởng, Thứ trưởng đặc trách Đại học, và các Viện trưởng đại học đến viếng trường và thảo luận về bằng tốt nghiệp trường Võ bị. Ông đề nghị bằng tốt nghiệp trường Võ bị Quốc gia được xem tương đương bằng Cử nhân. Phái đoàn GD có ý kiến là trường Võ bị có thể gọi bằng tốt nghiệp của trường là Cử nhân Võ khoa, một ngành học như mọi nghành khác.. Nhưng quyền lợi xuất phát từ bằng Cử nhân Võ khoa không thuộc thẩm quyền Bộ Giáo Dục. Về sau bằng tốt nghiệp trường Võ bị Quốc gia với chương trình 4 năm được gọi là “Cử nhân Khoa học Ứng dụng”. 
Ghi chú: Còn một số trường chuyên nghiệp có quy chế riêng, đầu vào là Tú tài I và thi tuyển, học 2 - 3 năm, đào tạo chuyên viên trung cấp như Trường Cán sự Bưu điện thuộc bộ Bưu điện & Viễn thông, trường Cán sự Điều dưởng, trường Nữ hộ sinh quốc gia thuộc bộ Y tế, Viện Quốc gia Âm nhạctrường Mỹ thuật (Gia định) thuộc bộ VHGD&TN, v.v…Thời chưa có “đại học chánh quy” các trường trên thuộc hệ cao đẳng, là thành phần của đại học (nhận xét riêng).

Đại học Cộng đồng cấp Địa phương
Trên đây là các hệ đào tạo dài hạn. Cạnh đó còn có hệ đào tạo ngắn hạn, "mang kiến thức và chuyên môn tới công đồng", một số học viên có thể là người lớn, người đang làm việc.
Đại học cộng đồng là trường đại học 2 năm (cao đẳng), chương trình học gồm những môn thực dụng nhằm cung cấp kiến thức và cải tiên khả năng cho học viên, giúp tăng năng xuất trong lao động. Thời khóa biểu linh độngđể thích hợp với giờ giấc những công nhân muốn đi học. Sinh viên ra trường sẽ được cấp bằng tốt nghiệp (Associate’s degree, Mỹ) hay giấy chứng nhận dự khoá học (Certificate of Completion) tùy chương trình theo học. Bằng tốt nghiệp có thể được các đại học cấp quốc gia cứu xét để cho học lên cao. Nếu muốn học lấy bằng thì đầu vô là bằng Tú tài. Nếu muốn dự các khóa huấn luyện nghề nghiệp thì bằng Tú tài không là yêu cầu. Trước 1975, Miền Nam có 4 đại học cộng đồng:
           Đại học Cộng đồng Quảng Đà
           Đại học Cộng đồng Nha Trang
           Đại học Cộng đồng Tiền giang/ Mỹ Tho
           Đại học Cộng đồng Long Hồ/ Vĩnh Long
           [Đại học Cộng đồng Ban Mê Thuột (chưa thành hình)]

ĐẠI HỌC TƯ THỤC
Trước 1975, đa số các Viện/ Trường Đại học Tư thục do các đoàn thể tôn giáo sáng lập.
           Viện Đại học Đà lạt: thành lập năm 1958, gồm có một số phân khoa như: Chính trị Kinh doanh, Sư phạm (Triết và Pháp văn), Văn khoa
           Viện Đại học Vạn Hạnh: thành lập năm 1964, gồm có 4 phân khoa: Phật Học, Văn học & Khoa học Nhân văn, Khoa học Xã hội, Giáo dục, Khoa học Ứng dụng, và Trung tâm Ngôn ngữ.
           Viện Đại học Minh Đức: thành lập năm 1970, gồm có 4 phân khoa: Y khoa, Kinh thương, Khoa học Kỹ thuật, và Kỹ thuật Canh nông
           Đại học Tây Ninh: cơ sở đặt tại toà thánh Tây Ninh, gồm có: Khoa Sư phạm, Văn khoa, Nông Lâm Súc
Đại học An Giang
           Các sư huynh dòng La-san Taberd có xin phép mở trường đại học đào tạo kỹ sư ngành Dầu khí. Cơ sở đặc tại trường La-san Taberd, 53 Nguyễn Du.

PHẦN KẾT
Cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ Pháp chấm dứt với hiệp định Genève 1954. Nhà nhà lo ổn định cuộc sống. Trẻ em nô nức đến trường, phụ huynh ước mong con em học hành thành đạt để thoát khỏi cảnh nghèo dốt. Có sự bùng nổ trong ngành Quốc gia Giáo dục. Với phương tiện eo hẹp, chánh quyền đương thời đã cố gắng đáp ứng nhu cầu học tập của giới trẻ, buổi đầu ưu tiên dành cho bậc tiểu và trung học. Về sau, bậc trung học dội mạnh lên đại học. Ngoài số thanh niên tốt nghiệp trung học mặc chiến y, một số khác được hoản dịch vì lý do học vấn tiếp tục lên học đại học. Sự phát triển về giáo dục đại học như tôi đã vẽ lại với vài chấm phết nêu trên, chắc chắn có sai sót, xin miễn chắp. Một miền đất nước với gần 20 triệu dân trong hoàn cảnh chiến tranh dử dội có một hệ  thống giáo dục đại học như thế, dù chưa đầy đủ cũng cho thấy một cố gắng đáng kể và thành quả cụ thể để dành lại cho mai sau. 

TỬU ĐỊA



 Quán rượu nhỏ của lão Côi điếc ở mé đông làng Cát, nhìn thẳng ra một cái hồ lớn, nước xanh ngắt quanh năm. Một hôm, có một ông già gầy gò, nón tơi áo rách ghé vào quán. Ông khách gọi một chén rượu loại ngon đựng trong chiếc hũ sành nút lá chuối khô. Nhưng lão chỉ đưa lên mũi ngửi, chứ không hề uống, ánh mắt lúc nào cũng ngó đăm đăm vào đàn chó đang tranh nhau mấy khúc xương ngoài đường, như thể bị hút hồn vào cái hình ảnh sinh động rất cuộc đời ấy. Lão Côi lấy làm lạ, mấy lần muốn bắt chuyện mà vẫn cảm thấy chưa tiện mồm. Đột nhiên, ông khách trỏ vào một con chó cái lông xù đứng ngoài đám tranh nhau, đang ngoe nguẩy đuôi, phóng ánh mắt về phía hồ nước mà bảo lão Côi:
- Con chó kia của nhà ông phải không? Nó có tướng: “tam nhật nhất tiểu điểm” đấy. Quả nhiên lão đoán không sai. Mới vừa tới đây, lão đã thấy hình thế làng này tuy bệ rạc, song lại có dáng giống cái lưỡi chó đang liếm vào hồ rượu. Sách xưa gọi thế đất này là “tửu địa”. phải có long mạch gọi là “tửu long”, thì mới sinh ra chốn “tửu địa” như thế này. Giờ lại bắt gặp con chó. Thế thì trong làng tất có tay bợm rượu.
Lão Côi tai vốn nghễng ngãng, song được cái tinh mắt, nhìn mồm có thể đoán ra khách nói gì. Nhưng cũng phải một lúc lão mới hiểu ra, hiểu ra thì càng ngạc nhiên. Bèn hỏi:
- “Tam nhật nhất tiểu điểm”… là tướng gì? xin cụ giảng cho biết.
Ông khách giải thích:
- Theo “Cẩu kinh” (kinh sách chuyên về chó), thì đó là một tướng chó cực hiếm. Giống này khi tiêu hóa, nước thải thoát ra toàn thân theo đường lông. Chỉ có cái tinh chất lắng đọng lại, gọi là “cốt thuỷ”. Ba ngày nó mới đái một lần, mỗi lần đái chỉ có một giọt, và cũng chỉ đái đúng một điểm nhất định trên mặt đất mà thôi. Chỗ ấy quý lắm đấy.
Lão Côi nghe nói, ngẫm lại con chó nhà mình thấy đúng quá. Bèn hỏi tiếp:
- Thế mà nhà tôi nuôi nó bao nhiêu năm nay lại không hề biết. quả là tôi chưa từng bao giờ trông thấy con chó ấy đái. Thậm chí… ngay cả sủa, nó cũng rất kiệm tiếng, không sủa bừa bãi, cẩu thả như những con khác. Chỗ nó đái quý như thế nào, làm cách nào mà biết được hở cụ ?
Ông khách bảo:
- Phải là người có duyên mới tìm ra được. Người vô duyên dẫu có để ý theo dõi, rình rập cũng uổng công mà thôi. Giời đã sinh ra phải như thế. Chỗ nó đái là một cái huyệt cực tốt, gọi là huyệt “cẩu thuỷ”. Kẻ có duyên tìm được rồi thì đợi đúng giờ Tý (nửa đêm), ngày Tuất, đem mả bố mà táng xuống dưới đó. Đặt mả quay hướng nam, để đầu vừa chạm vị trí nó đái. Nếu là huyệt Âm đột (lồi) thì con cháu có thể làm vua làm chúa, ăn không nói có, đè đầu cưỡi cổ thiên hạ. Nếu là huyệt Dương oa (lõm) thì con cháu có thể làm quan đến tỉnh trưởng, huyện trưởng… Nhưng khi nào con chó ấy chết thì cũng nhanh chóng hết vận.
Lão Côi hỏi:
- Tại sao thế hở cụ?
Ông khách trả lời:
- Huyệt mạch nào thì cũng phải dưỡng mới lâu dài được. Kì cẩu chết, không có chó đái dưỡng huyệt nữa thì hết vận chứ sao.
Lão Côi nói:
- Thế thì có lẽ tôi là người vô duyên chăng? Thật là tiếc quá. Ai biết được có một chỗ chó đái mà quý đến như thế. Song phú quý mà chỉ kéo dài bằng kiếp một con chó thì kể cũng hơi ngắn. Nhưng sao cụ xem tướng chó, lại biết làng tất có tay bợm rượu ?
Ông khách trả lời:
- Hạng trí giả xưa nay xem tướng chó, biết tính chủ là chuyện bình thường. Huống chi loại chó này vốn có sự tích hẳn hoi. Giống này hiếm bởi không do di truyền, mà do giời sinh. Và cũng chỉ có ở chó cái, không sinh vào chó đực. Cái lý nó phải thế. Đi hàng trăm làng may ra mới thấy một con. Ngẫm ra cũng có cái lẽ bên trong của nó. Giống chó ấy mà sẵn thì chẳng lẽ trên đời đầy nhóc cả vua, chúa hay sao? Nó là thứ ngược lại của rượu, là âm tửu. Nó chỉ cất tiếng sủa khi gặp phải đám loạn tửu, sắp gây ra thù hằn nhau, đánh chửi nhau vì rượu đến nơi. Mỗi tiếng sủa của nó có tác dụng làm cho những cái đầu bốc lửa nguội dần đi. Ở đâu có long mạch gọi là “truyền nhân kĩ tửu địa” (đời nào cũng sinh ra một “kĩ tửu” – bợm rượu), thì ở đó mới xuất hiện giống chó này. Song cũng phải có kì duyên, thì hai thứ kì nhân và kì cẩu ấy mới gặp được nhau.
Lão Côi chợt hiểu ra. Hèn nào mà quán của lão chưa bao giờ xảy ra những vụ ẩu đả nhau vì rượu như những quán khác trong làng, mặc dù ở đây không ngày nào là không diễn ra những trận nhậu tưng bừng. Thì ra nhờ có con chó “âm tửu” kia. Nhưng lão Côi nghĩ bụng làng mình đã có tiếng là một làng say, thì thiếu cha gì tay bợm rượu. Già trẻ lớn bé đủ các hạng, cứ tụ tập dăm ba anh là nốc tì tì, hết chai nọ đến chai kia, uống không giới hạn, uống đến say bét nhè, rồi đánh chửi nhau như cơm bữa. Lão bèn bảo:
- Làng này nhiều người hay rượu lắm cụ ạ, không chỉ một người mà thôi đâu.
Ông khách nghe nói, vừa thong thả đưa chén rượu lên mũi ngửi, vừa bảo:
- Uống nhiều, uống say để mà nói nhiều, để mà chửi bới nhau, hay thậm chí tuôn ra thơ phú nhập nhằng thì cũng chỉ là những hạng tục tửu mà thôi. Nhưng đạt đến bậc gọi là “kĩ tửu” ấy, thì dứt khoát chỉ có một. Dân gian quen mồm gọi nôm na là “bợm”, cứ tưởng thế là ghê gớm lắm, chứ thực ra đã ăn thua gì.
Lão Côi lại hỏi.
- Đúng là làng này cứ ai hay rượu đều gọi là bợm hết. Bợm già, bợm trẻ, bợm đàn ông, bợm đàn bà đủ cả. Không hiểu cái bậc “kĩ tửu” mà cụ nói kia thì như thế nào?
Ông khách rung rung chòm râu bạc, mủm mỉm cười ra vẻ bí ẩn và bảo:
- Rồi sẽ đến lúc ông biết thôi.
Lão Côi bắt đầu cảm thấy vừa khâm phục, vừa bị hấp dẫn bởi kiến thức của ông khách về ba cái khoản liên quan: rượu – chó – bợm kia. Bèn rụt rè đề nghị:
- Hay là cụ chịu khó ngồi chơi đến chiều, xem những người đến đây uống rượu, ai là người được như cụ nói, cho bõ một phen cụ lặn lội đường xa?
Ông khách nghe lão Côi nói, vẻ mặt chợt tỏ ra trầm ngâm. Ông bảo:
- Lão đi cũng đã nhiều nơi, rất hiếm khi được chứng kiến một chốn tửu địa như thế này. Nếu may mà gặp được bậc kĩ tửu ấy nữa thì còn gì hay hơn. Có điều không biết đã có duyên gặp được hay chưa. Nhưng làng đâu có thiếu quán rượu, chắc gì họ kéo đến đây mà xem với xét. Ông muốn họ đến thì hãy ra khua đám chó kia, cho chúng sủa nhặng lên…
Lão Côi mừng quớ vì ông khách đã nhận lời, lại càng tròn mắt kinh ngạc về cái sáng kiến ấy của ông ta. Lão vội hỏi, giọng không giấu vẻ thán phục:
- Thì tôi vẫn thường làm như thế mỗi khi muốn kéo họ tụ tập đến đây uống rượu đấy. Làm sao mà cụ biết hay thế?
Ông khách lại nhấc chén rượu đưa lên mũi ngửi rồi chậm rãi trả lời:
- Người hay rượu phản xạ rất nhạy với tiếng chó sủa. Một phần vì có thế mới biết đường mà lần về nhà, khỏi lạc vào ngõ nhà người ta. Một phần vì ở đâu chó sủa nhiều là ở đó có tiệc tùng, đình đám, hội hè…
Lão Côi nghe nói mới biết, thì ra cái tiểu xảo câu khách bấy lâu nay mình vẫn làm, vốn có lý luận biện chứng hẳn hoi. Lão bèn hăng hái vớ lấy cây chổi lao ra ngoài đường, xông vào giữa đám chó, vung chổi lên múa tít. Lũ chó mới đầu ngơ ngác, tưởng lão lên cơn điên. Lát sau dường như chúng hiểu ra, lập tức bảo nhau cùng sủa loạn xạ bằng đủ các thứ giọng trầm, bổng, thanh, đục… chẳng ra bài bản gì. Chúng sủa mãi, sủa mãi, thi nhau mà sủa, sủa như sợ con người quên béng mình là chó, sủa như để tính công… Cứ thế, chúng làm cho huyên náo cả một góc làng.
Quả nhiên, chiều hôm đó diễn ra một tiệc nhậu tưng bừng của các “đệ tử Lưu Linh” làng Cát tại quán rượu lão Côi điếc. Ông khách vẫn thỉnh thoảng nhấc chén rượu đưa lên mũi ngửi, lâu lâu lại thò tay rón một hạt lạc rang bỏ vào mồm nhai, đôi mắt vẫn lơ đãng ngó ra phía ngoài đường cái, dường như không chú ý gì đến cái đám nhậu ồn ào bên trong quán. Thấy thế, lão Côi rón rén nhích tới gần, ghé tai ông khách hỏi nhỏ:
- Đám này toàn những tay “bợm” cả đấy. Cụ không thấy ai trong số họ xứng đáng là bậc kĩ tửu, ứng vào cái triệu con chó “tam nhật nhất tiểu điểm” nhà tôi hay sao?
Ông khách vẫn tỉnh bơ, vừa ngó lướt qua đầu đám nhậu ồn ào, vừa trả lời:
- Tuyệt không có được người nào. Nhưng trong làng thì chắc chắn có. Hôm nay quả chưa gặp được duyên, có chờ thêm nữa cũng vô ích. À phải rồi, ông tính tiền rượu đi, rồi đến lúc ông sẽ biết người ấy là ai thôi.
Lão Côi vội vã xua tay:
- Ấy thôi thôi! Cụ gọi có một chén rượu với mấy hạt lạc rang, có đáng gì mà phải tính tiền. Coi như tôi được hân hạnh hầu cụ. Mà cụ cũng chỉ ngửi, chứ đâu có uống. Chén rượu còn nguyên kia kìa.
Ông khách nói:
- Ai bảo là lão đây không uống? Ông cứ thử xem.
Lão Côi nghe nói vừa cảm thấy khó hiểu, vừa nghi ngờ. Bèn cầm chén rượu đưa lên mũi ngửi. Kỳ lạ thay, chén rượu tuyệt không còn chút hơi rượu nào. Lão vội nhúng ngón tay trỏ vào, đưa lên mồm nếm thử. Quả nhiên, trong chén chỉ còn là nước lã. Quá khâm phục, lão thở phào một cái, vừa tấm tắc, vừa nói:
- Té ra cụ chỉ hít hết hơi rượu, chứ không uống. Nhưng tôi cứ xin được phép đãi cụ.
Ông khách nghe thấy thế bèn trỏ tay vào hũ rượu dựng trong quán bảo:
- Không phải là hít hơi rượu. Đó gọi là phép: “hấp tửu sương” (thu lấy hơi rượu). Lão không trả tiền chén rượu này, mà trả tiền cả hũ rượu kia kìa.
Lão Côi tưởng ông khách muốn mua cả hũ rượu để mang đi, bèn hỏi lại:
- Cụ định mang cả hũ đi à? Liệu có vất vả cho cụ không?
Ông khách vẫn tỉnh bơ giải thích:
- Ông nhầm rồi, lão không mang đi, mà đã dùng hết rồi.
Bấy giờ lão Côi chẳng còn hiểu ra làm sao nữa, chỉ biết đờ người ra vì kinh ngạc pha lẫn nghi ngờ. Lão ngập ngừng tiến lại phía hũ rượu, mở cái nút lá chuối ra. Hũ vẫn còn đầy, song không thấy hơi rượu xông lên như mọi khi, lão vội thò tay vào nhúng rồi lại đưa lên miệng nếm. Quả thực cả hũ rượu đã chỉ còn là nước lã. Lúc này sự kinh ngạc của lão đã biến thành một niềm kính sợ. Thì ra cái phép “hấp tửu sương” gì đấy của ông khách, đã hút hết chất rượu trong chiếc hũ để cách xa hàng mấy mét, biến nó thành nước lã. Thật là một việc chưa từng thấy bao giờ. Lão bắt đầu lờ mờ hiểu ra điều gì, vội vàng quay lại định vái ông khách.
Nhưng ông khách đã không còn ngồi đó nữa.
Trên cái đĩa còn sót mấy nhân lạc, có mấy đồng tiền rượu do ông ta để lại.
Lão Côi hấp tấp chạy ra khỏi quán, ngó đi ngó lại hai phía con đường làng. Không thấy bóng dáng ông khách đâu.
Bên trong quán, đám nhậu đã đến hồi cao trào, mấy gã trai cởi trần trùng trục, mặt đỏ như gà chọi đang bắt đầu lớn tiếng.
Lão Côi điếc tưng hửng quay vào, thừ người ra vì tiếc rẻ. Ông khách đi vội quá, lão còn chưa kịp hiểu thế nào là kĩ tửu, chưa kịp hỏi cặn kẽ về con chó, chắc không chỉ quý ở tiếng sủa và cái chỗ nó đái mà thôi đâu. Biết đâu còn những điều kì diệu nào khác thì sao?… Không biết ông ta có quay lại nữa không? Xưa nay, ngồi nghe bao nhiêu cuộc luận bàn huyên náo bên chiếu rượu, chung quy cũng chỉ là những chuyện đời vặt vãnh mà thôi, chưa bao giờ lão được nghe những chuyện kì lạ. Tự nhiên xuất hiện ông khách cổ quái này, lão linh cảm làng Cát sắp xảy ra chuyện gì. Từ bấy giờ, lão đâm ra hay nghĩ ngợi lung tung…