Thứ Tư, 20 tháng 6, 2012

NGÀY THƯỜNG CỦA VUA


Gần 150 năm "thay trời trị dân", từ Gia Long đến Bảo Đại (1802 - 1945). Đời thường của các vị vua có ít nhiều nét khác nhau nhưng nhìn chung đều có một lịch sinh hoạt giống nhau từ sáng, chiều đến tối.
Chẳng hạn lịch sinh hoạt của vua Tự Đức như sau :
Buổi sáng lúc 5 giờ nhà vua đã thức dậy, sửa soạn cho buổi thiết triều lúc 6 giờ (sớm hơn các vị vua khác). Các quan đã phải tới sớm. Vua Tự Đức ngự triều ở điện Văn Minh (bên tả điện Cần Chánh). Khi vua đến, thái giám tuyên triệu, các quan lục tục vào chầu.
Nhà vua nghe các quan tâu trình sự việc. Sớ các quan đều gởi về nội các. Nội các để trong tháp tấu sự, đưa cho thái giám. Nhà vua nghe rồi châu phê, châu điểm rồi giao lại cho nội các, các phó bản gởi về cho các bộ ,nha.
Khi chấm dứt buổi thiết triều lúc 9, 10 giờ sáng, nhà vua còn tiếp tục làm việc cho đến 11 giờ. Khi nào mệt thì nhà vua giải trí bằng thú chơi đấu hồ - một trò chơi mà nhà vua rất thích, hay đi bách bộ trong vườn Ngự Uyển.
Khi làm việc một mình (ở chái đông điện Cần Chánh) nhà vua chỉ cần một vài thị nữ đứng hầu để mài son, thắp thuốc hoặc truyền đạt những mệnh lệnh, những việc của vua.
Buổi chiều vua Tự Đức tiếp tục đọc, nghiên cứu sớ tấu của các nơi gửi về. Nhiều bản sớ nhà vua phê nhiều hơn là văn bản tâu của các quan và chữ tốt, văn hay hơn cả văn bản.
Những lúc rãnh rỗi, nhà vua cùng các quan văn đàm đạo thơ văn hay cùng nhau xướng hoạ. Hoặc vua Tự Đức thường cùng bà Từ Dũ, văn võ đại thần xem tuồng ở Duyệt Thị Đường để giải trí (nhất là thời gian căng thẳng vì đối phó nhiều chuyện rắc rối , phiền não).
Cũng có những ngày nhà vua lên Khiêm cung ở Vạn Niên để nghỉ ngơi, tìm sự yên tĩnh trong tâm hồn và chiêm nghiệm cuộc đời nhiều hệ luỵ.
Ban đêm, vua Tự Đức thường thức khuya để đọc sách hoặc sáng tác. Tập thơ chữ Hán "Ngự chế thơ văn" và các sách chữ Nôm có tính giáo dục như "Thập điều", "Tự học diễn ca", "Luận ngữ diễn ca", được nhiều người biết đến.
Vua Đồng Khánh lại có nhiều nét khác biệt trong sinh hoạt đời thường. Đồng Khánh ưa trang điểm, trau chuốt bề ngoài. Nhà vua thích lụa là, đồ gỗ gia dụng, đồ chơi của Pháp. Chính vua Đồng Khánh tỏ ra "lai căng" trong sinh hoạt đời thường : uống rượu chát Bordeaux, uống sữa hộp, mang huy chương Bắc đẩu bội tinh, mua hàng hoá Pháp... nhất là phá thông lệ ngày xưa, cho sứ thần quan lại Pháp đi cửa chính Ngọ Môn để vào Đại nội.
Tóm lại, những vị vua như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân đều tìm cách xa lánh người Pháp thì Đồng Khánh, Khải Định , Bảo Đại lại tỏ ra thân cận, thắt chặt mối tình "Nước mẹ" với Pháp trong thường nhật và ăn sâu trong ý thức, quan niệm...

NGÀY THƯỜNG CỦA HOÀNG HẬU
Là các bậc "mẫu nghi thiên hạ", các vị Hoàng hậu, Nguyên phi... cũng có những nếp sinh hoạt ngày thường đáng kể.
Trước hết, về bổng lộc, họ được hưởng tuỳ theo vai vế trong triều đình, Tam cung lục viện. Chẳng hạn, bà Từ Dũ (vợ Thiệu Trị, mẹ Tự Đức lúc này là Thái hoàng Thái hậu) mỗi năm được hưởng 10.000 quan và 1.000 vuông lúa.., trong khi đó, vợ chính của vua Đồng Khánh là Hoàng Quý Phi chỉ được 1.000 quan và 300 vuông lúa, 60 cây lụa, còn các bà thấp hơn thì chỉ được lãnh từ 150 đến 500 quan, từ 50 đến 150 vuông lúa (mỗi vuông chừng 20kg).
Chỗ ở của Thái hoàng Thái hậu (như bà Từ Dũ đời Đồng Khánh) là cung Trường Sanh, của Hoàng Thái hậu là cung Diên Thọ, của Hoàng Quý Phi là cung Khôn Thái. Mỗi cung có một toà điện chính ở giữa và chừng 10 toà nhà phụ ở chung quanh.
Cuộc sống của Hoàng hậu (hay Hoàng Quý Phi) cũng không nhàn rỗi sung sướng lắm đâu. Phải làm chủ quản Tam cung lục viện, đứng đầu bộ phận "hậu cần" của nhà vua, dưới trướng có hàng nghìn thái giám, cung phi mỹ nữ v.v... biết bao điều phiền toái trong cung vàng điện ngọc này xảy ra hàng ngày , có thể làm hoàng hậu nhức đầu, điên đầu ! Làm hoàng hậu là chưa hẳn sống trong vàng son nhung lụa...
Hàng ngày, Hoàng Quý Phi phải thức khuya dậy sớm để đôn đốc, kiểm tra công việc của "hậu cần".
_ Khoảng 4 giờ sáng, (giờ Dần) Hoàng hậu thức dậy, vệ sinh , trang điểm xong là kiểm tra bữa điểm tâm cho nhà vua. Sau đó cùng một số cung nữ, thái giám mang món ăn đến dâng vua, vấn an, chúc lành thiên tử (chừng 5 giờ sáng: giờ Mão).
_ Đến 6 giờ sáng, (giữa giờ Mão) Hoàng hậu dùng điểm tâm , xong rồi đến cung Diên Thọ thỉnh an và chúc lành Hoàng Thái hậu.
_ Đến 7 giờ (cuối giờ Mẹo) Hoàng hậu ở chính điện, nhận lời thỉnh an, chúc lành các Hoàng tử, công chúa và cung nữ, thái giám...
_ Đến 8 giờ (giờ Thìn) Hoàng hậu nghe các Quản giám tấu trình các sự việc đã qua và trong ngày, tình hình thu chi, và các việc linh tinh khác.
_ Đến 9 giờ (đầu giờ Tỵ) Hoàng hậu ngồi ở điện Minh Lý để duyệt đơn thưa kiện lẫn nhau của các phi tần mỹ nữ, giải quyết các vụ việc.
_ Đến 11 giờ (cuối giờ Tỵ) Hoàng hậu đi thăm con và đón Hoàng thượng bãi triều hồi cung để báo cáo sự việc đã giải quyết, nghe ý kiến của nhà vua.
_ Đến 12 giờ (giờ Ngọ) cùng Hoàng thượng dùng cơm trưa, về cung nghỉ ngơi.
_ Đến 2 giờ chiều : Hoàng hậu thức dậy, tắm rửa, trang điểm , sửa soạn món ăn nhẹ như chè hạt sen , bánh trái chờ hoàng thượng đến thăm.
_ Đến 4 giờ chiều : Hoàng hậu đến vui chơi với con nhỏ, đến cung Diên Thọ thăm Hoàng Thái hậu rồi đi kiểm tra công việc các nơi trong cung.
_ Đến 6 giờ chiều , sau khi dâng ngự thiện, dùng cơm tại cung riêng, Hoàng hậu với vài cung nữ lên chùa Bảo Quốc (trong vườn Ngự Uyển) để dâng hương cúng Phật, cầu nguyện cho Hoàng Thái hậu, Hoàng thượng, hoàng gia an lành, quốc thái dân an.
_ Đến 8,9 giờ tối, Hoàng hậu về thư phòng đọc sách, thăm con chốc lát, kiểm tra thêm vài chỗ ,xem lại món ăn đêm của nhà vua, đến chúc Hoàng thượng ngủ ngon rồi trở về cung riêng tắm rửa, ăn nhẹ, và lên giường nghỉ ngơi lúc 10, 11 giờ khuya.
Như thế, trong một ngày đêm, hoàng hậu làm việc hết 3/4 thời gian (18/24giờ). Quả thật, một ngày của Hoàng hậu không dễ chịu chút nào !

TAM CUNG LỤC VIỆN "ĐƯA CON VÔ NỘI" !
Như chúng ta biết , các vì vua triều Nguyễn đều có hàng trăm bà vợ. Phải xây dựng "tam cung", "lục viện" mới đủ chỗ cho các bà ở. Mỗi bà tuỳ theo cấp bậc mà được ở một phòng riêng, có trang trí mọi tiện nghi sinh hoạt.
_ Tam cung : là ba cung điện dành cho các bà từ cấp Hoàng Quý Phi trở lên ở. Tam cung gồm : Cung Khôn Thái, Cung Trường Sanh, Cung Diên Thọ.
_ Lục viện : là 6 viện gồm : viện Thuận Huy, viện Đoan Thuận, viện Đoan Hoà, viện Đoan Huy, viện Đoan Tường, viện Đoan Trang. Các viện này đều dành cho các cung phi mỹ nữ ở tuỳ theo thứ tự bậc từ lớn xuống nhỏ : Nhất giai phi, Nhị giai phi, Tam giai tân, Tứ giai tân, Ngũ giai tiệp dư, Lục giai tiệp dư, Thất giai lục nhân, Bát giai mỹ nhân, Cửu giai tài nhân.
"Tam cung lục viện" là chốn khuê môn, kín cổng cao tường, tất cả đều ở trong Tử cấm thành (thành cầm màu tía) . Trừ các quan Thái giám và nhà vua - tất nhiên không một người đàn ông nào được bước chân tới nơi đây. Ngược lại, kể từ khi được tuyển vào cung, các cung phi mỹ nữ cũng không được phép gặp lại bất cứ người thân quen nào, dù là cha mẹ. Ngoại lệ, cũng có một vài trường hợp được nhà vua cho phép, cha mẹ chỉ được vào thăm con - đứng nói chuyện qua một bức mành sáo không thấy mặt nhau. Vì vậy, dân gian Huế có phương ngữ :"Đưa con vô nội", nghĩa là xem như mất con ! Có lẽ cảm xúc về ý nghĩa đó (chỉ có cảm xúc thôi chăng?) mà vua Tự Đức - có tiếng nhân từ - đã làm một vế đối, hình như đến nay chưa ai đối được "Không vô trong nội nhớ hoài" (một chữ Nôm đi kèm một chữ Hán).

NHỮNG BÀ HOÀNG HẬU CUỐI CÙNG CỦA TRIỀU NGUYỄN
Khôn Nghi Xương Đức Thái Hoàng Thái hậu
Sinh năm 1868, đời Tự Đức thứ 21, bà được tiến vào cung làm vợ Ưng Đường tức Kiên Giang Quận Công, lên ngôi là Đồng Khánh.
Năm 1886, mới lên làm vua, Đồng Khánh xếp bà hàng Hoà Tân.
Năm thứ hai Thành Thái (1899) bà được nâng lên hàng Tiệp Dư.
Năm thứ nhất Khải Định (1916), bà được phong Hoàng Thái Phi.
Năm thứ 8 Khải Định (1924) bà được tôn vào bậc Khôn Nghi Hoàng Thái hậu.
Năm thứ 8 Bảo Đại (1933), bà được tôn vinh hàng Khôn Nghi Xương Đức Thái Hoàng Thái hậu. Bà được ở cung Trường Sanh và lúc chết được thờ tại điện Tiên Thọ.
Đoan Huy Hoàng Thái hậu
Bà tên thật là Hoàng Thị Cúc, con của một người dân thường là Hoàng Văn Tích (sau này được vua Khải Định là con rể phong tước Nghi Quốc Công).
Năm thứ 2 Khải Định phong cho bà hàng Tam giai Huệ Tân (vì bà là vợ thứ ba của Khải Định).
Năm thứ 8 Bảo Đại (1933), bà được tôn lên bậc Đoan Huy Hoàng Thái hậu. Khi bà mất được gọi là bà Tử Khương và được thờ tại cung Diên Thọ.
Nam Phương Hoàng hậu
Bà tên thật là Nguyễn Hữu Thị Lan (còn có tên Pháp là Mariette Jeanne Nguyễn Hữu Thị Lan), sinh ngày 4.12.1914 tại Gò Công (Nam Kỳ). Con của ông Pierre Nguyễn Hữu Hào và bà Marie Lê Thị Bình (cháu nội của tỷ phú Lê Phát Đạt, Gò Công).
Năm 1927, bà Nguyễn Hữu Thị Lan sang Pháp du học và tốt nghiệp Tú tài toàn phần Pháp. Năm 1932 về nước. Năm 1934 kết hôn với Bảo Đại (hai người quen biết nhau trên chuyến tàu từ Pháp về Việt Nam). Bảo Đại phá lệ không lập Hoàng hậu từ đời Gia Long, phong cho vợ làm Nam Phương Hoàng hậu.
Ngày 4.1.1936 sanh con đầu lòng là Hoàng tử Bảo Long. Từ đó đến năm 1943 (6 năm), bà sinh thêm 3 gái, 1 trai nữa là : các công chúa Phương Mai, Phương Liên, Phương Dung và Hoàng tử Bảo Thắng. Bình quân bà "quen dạ đẻ cách năm đôi" (TTX). Năm 1968 vì đau tim đột ngột, Nam Phương Hoàng hậu đã qua đời tại Paris (Pháp). Sang năm 1969, cựu hoàng Bảo Đại lấy vợ mới là một cô đầm trẻ, mới 25 tuổi tên là Monique Baudot. Vĩnh Thuỵ phu nhân còn kém con chồng là Bảo Long đến 6 tuổi ! Hiện nay vợ chồng Bảo Đại - Monique Baudot vẫn còn ở Paris.
Tứ đức bà Từ Dũ
Trong hàng các bậc "mẫu nghi thiên hạ" triều Nguyễn , bà Từ Dũ (vợ vua Thiệu Trị, mẹ vua Tự Đức) là người có phẩm cách.
Bà có tên thật là Phạm Thị Hằng, trưởng nữ của Lễ bộ Thượng thư, cần chánh Đại học sĩ, Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng, gốc Gò Công, Tân Hoà, Gia Định. Bà sinh năm 1810, nổi tiếng đức hạnh, học giỏi làu thông kinh sử từ nhỏ. Năm 14 tuổi, bà được Thuận Thiên Cao Hoàng hậu (vợ Gia Long) vời vào cung hầu cháu trai là Hoàng Thái tử Miên Tông (vua Thiệu Trị sau này) . Lúc vua Minh Mạng băng hà, Thái tử Miên Tông nối ngôi, phong bà làm chức Cung tân (lúc này bà 31 tuổi). Sau đó bà lần lượt được phong là Thành phi, rồi Quý phi, rồi Nhất giai phi, chức cao nhất trong hàng phi tần nhà Nguyễn. Khi vua Tự Đức lên nối ngôi, xin được tấn hôn bà làm Hoàng Thái hậu, nhưng bà không nhận. Hai năm sau, nhân khánh thành cung Gia Thọ, vua Tự Đức và Quần thần van nài mãi bà mới nhận lời.
Sống trong lầu vàng điện ngọc, nhưng bà Từ Dũ rất cần kiệm. Thấy vua Tự Đức trần thiết những đồ vật quý giá trong cung Diên Thọ cho mình, Bà không bằng lòng, bảo vua :
_ Những thứ này đều do trăm họ dâng nộp, mình không làm đặng sự chi lợi ích cho nước thì thôi, sao dám vọng phi ?
Vua Tự Đức phải đem cất hết những đồ đạc quí giá vào kho. Nhà vua thấy mẹ dùng những vật dụng đã quá cũ kỹ, rách nát (quạt giấy, thố đựng cơm...) rất xúc động, truyền cho nội thị thay cái mới. Bà ngăn lại, bảo :"Đồ vẫn còn dùng được, thay cái mới rồi cũng sẽ cũ, chi bằng cứ dùng có tiện hơn không ?".
Bà thường dạy các cung nhân :"Ta thuở nhỏ, trong nhà tuy không dư dật nhưng cũng đủ ăn. Nay nhờ ơn trời đất, tổ tông, được giàu có trong bốn bề. Sợi tơ, hạt lúa , đều là công sức của dân, nếu xài phí phạm thì đã không lời chi mà còn có cái đáng tiếc lắm. Phải nên tiết kiệm !"
Bà rất cẩn trọng trong việc sử dụng công quỹ, dù đó là nguồn lời của bản thân. Một hôm có một công chúa đã xuất giá đến thăm Thái hậu và than thở về cảnh khó khăn của mình, xin bà nói giúp với nhà vua ban thêm bổng lộc. Bà lấy ba lạng vàng dành dụm được cho con và bảo :
_ Con không có công lao gì với nước, sao dám xin vua ban bổng lộc ? Hãy cầm lấy mà về làm ăn.
Bà rất sáng suốt, tôn trọng đạo lý. Một lần xem tuồng, vở "Đường Chinh Tây" đến lớp "Phàn Lê Huê tru huynh , sát phụ", bà gọi trùm tuồng đến bảo :
_ Người Tàu đặt ra truyện này thật là nghịch lý, nhẫn tâm. Đã cho Phàn Lê Huê tài phép như thế, túng sử có chuyện gấp rút đến mấy đi nữa, thời với tài ấy cũng có thể tránh được như chơi. Chớ chi phải đến nỗi giết cha, giết anh, chẳng còn tình nghĩa chi nữa. Người Tàu khác, người mình khác. Người ta đặt chuyện đã bậy, sao người soạn tuồng cũng soạn bậy theo ? Phải sửa lại mới hợp đạo lý và thuận với người nước ta !
Năm 1860, vào dịp mừng ngũ tuần (50 tuổi) của bà, vua Tự Đức và hoàng tộc, triều thần xin được dâng Mỹ tự. Thái hậu dụ rằng :"Ta được thiên hạ cung phụng thì phải chăm lo cùng với thiên hạ. Năm nay chưa thu hoạch tốt, trăm họ còn nhiều lo toan, chính là lúc nhà vua phải nên vì trăm họ mà mưu tính, vả lại tính ta vốn ưa giản kiệm, không chuộng phù hoa, nay lại hưởng sự tôn vinh lòng vẫn e sợ, khiến ta càng thêm thất đức nặng tội với thiên hạ hay sao? Hãy nên bãi việc ấy đi, chỉ mong nhà vua và đình thần cố làm sao cho trăm họ thái bình, dân tình an lạc thì ta vui sướng lắm rồi ".
Thái hậu rất nghiêm khắc và thường nhắc nhở vua Tự Đức chăm lo đời sống cho dân. Phải thật chú ý, đừng để bọn tham quan ô lại lộng hành gây khổ cho dân. Năm 1874, nghe tin Pháp xâm chiếm Nam Kỳ, triều đình phải ký hoà ước nhượng đất cho Pháp, Thái hậu rất đau buồn, bỏ cả ăn ngủ.
Năm 1883, vua Tự Đức mất, để di chiếu tôn bà lên làm Từ Dũ Thái Hoàng Thái hậu. Khi Đồng Khánh lên ngôi, xin tôn mỹ hiệu bà là Từ Dũ Bắc Huệ Thái hoàng Thái hậu.
Năm 1901, bà Từ Dũ mất, thọ 91 tuổi, bà thật là một tấm gương sáng về "tứ đức".

CUNG PHI MỸ NỮ
là con các quan lại triều đình tiến cung. Việc giao thiệp giữa nhà vua và các bà có thái giám và các nữ quan.
Thế giới tam cung lục viện, các bà cũng lắm chuyện. Sự xung đột về tình cảm, quyền lợi giữa các bà xảy ra như cơm bữa. Do nếp sống trong cấm cung nhiều tuế toái, lắm ràng buộc hiếm khi giao tiếp bên ngoài, các bà dễ đau ốm, bực bội nên hay sinh sự nhau. Nhà vua và bà Hoàng Quý Phi cũng vô cùng "phiền não" vì chuyện sinh hoạt hàng ngày của quý bà.
Các cung phi mới được tuyển vào cung được ở riêng ở viện Đoan Trang (trong Tử Cấm thành) để học tập tất cả mọi phép tắc, luật lệ, nghệ thuật xử thế như đi, đứng, cách ăn nói, phục vụ vua.
Riêng giọng nói cũng phải tập nói năng cho nhẹ nhàng, nói theo giọng Phường Đúc là giọng âm sắc nửa Huế, nửa Nam bộ. Khi nói phải kiêng cữ đủ thứ: không được nói một chữ gì xấu, gở, hoặc thô tục như đui, què, phong hủi, máu me, chết v.v... phải thay bằng chữ khác mà dùng. Những chữ dùng cho sinh hoạt nhà vua cũng phải khác đời thường. Chẳng hạn vua đi chơi gọi là "ngự đạo", vua đau gọi là "se", "siết", vua ăn gọi là "ngự thiện", vua chết là "băng hà". Ngoài ra phải học thuộc lòng các chữ huý của nhà vua, hoàng hâu, hoàng tộc v.v... để kiêng cử. Nếu lỡ mồm miệng nói mà không kiêng cử thì có thể bị trọng tội. Vì thế suốt 6 thàng đầu được tuyển vào cung, các bà chưa dám hở miệng. Về ăn mặc cũng phải đúng theo nghi thức quy định. Không được dùng màu đen vì là màu tang tóc. Màu vàng dành cho nhà vua. Chỉ được dùng màu đỏ và màu lục. Tóc thì phải rẽ giữa, bịt khăn vành. Móng tay để dài, răng nhuộm đen theo tục lệ.
Đôi khi cung phi cũng được ra ngoài thành du ngoạn cùng nhà vua . Hoặc về mùa hè nóng nực, vua muốn tắm cùng các bà thì truyền lệnh cho quan quân che kín một khu vực ở trước bến Phu Văn Lâu để tắm. Vua và cung nữ sẽ từ Đại nội theo cửa ngăn ra đó để tắm.
Trong các dịp đại lễ, các cung phi mỹ nữ cũng được vua cho đến Duyệt Thị Đường, hoặc Viên Tịnh Quang (như rạp hát trong hoàng thành) để xem các đoàn tuồng Thanh Bình, Ba Vũ diễn.
Đối với các vương phi lớn tuổi, không còn ham thích các trò giải trí, chán cảnh phồn hoa... thì có thể lên nghe tụng kinh ở một ngôi chùa trong cung Diên Thọ.
Lúc vua mất, các bà phải lên chăm lo hương đăng ở lăng vua (chẳng hạn khi vua Tự Đức qua đời, có 103 bà lên Khiêm lăng ở. Sau 2 năm mới được về cung Diên Thọ để phục dịch Hoàng Thái hậu).
Khi các bà vương phi mất, họ được thờ riêng hoặc chung tại một số đền ngoài cung thành (bà Hiền phi Ngô Thị Chính được thờ tại điện Hiền Phi ở PHú Xuân, các bà khác từ bậc Tân, Tiệp dư trở xuống được thờ ở vườn Thọ Xuân phía Tây Kinh, ở vườn Thanh Phương phía Tây sông Hộ Thành).
Suốt 13 triều đại nhà Nguyễn có hai lần các cung phi mỹ nữ được "tháo cũi sổ lồng". Lần đầu tiên vào triều vua Minh Mạng. Sách "Minh Mạng chính yếu" có chép rằng :"Năm Minh Mạng thứ 6, vào tháng giêng mà trời mưa ít, nhà vua lo hạn hán, chỉ dụ cho quan Thượng Bảo Khanh là ông Hoàng Quỳnh rằng :"Hai năm trở lại đây hạn hán liên tiếp. Trẫm nghĩ không biết từ đâu mà đến thế, nhưng chưa tìm ra nguyên nhân, hoặc là trong thâm cung, cung nữ nhiều nên âm khí uất tắc mà nên như vậy ? Nay bớt đi, cho ra một trăm người, ngỏ hầu có thể giải trừ được thiên tai vậy". Thế là 100 cung nhân mỹ nữ được thoát khỏi "Tử Cấm thành" về gia đình sum họp.
Lần thứ hai vào năm 1885. Lúc kinh đô thất thủ, tất cả hoàng tộc, văn võ quan, cung phi mỹ nữ đều thoát ra hoàng thành chạy loạn. Một số cung nhân thừa dịp đó chạy thẳng về gia đình, hoàn trở nếp sống thường dân, không còn cảnh :
"Trải vách quế, gió vàng hiu hắt,
Mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng,
Oan chỉ những khách tiêu phòng
Mà xui mệnh bạc nằm trong má đào..."

(Cung oán ngâm khúc - Nguyễn Gia Thiều)

THÁI GIÁM
Trước khi được tuyển vào cung, các vị Thái giám - còn được gọi là hoạn quan - là những người đàn ông tự nguyện "thiến" (hoạn). Họ thường sinh hoạt trong Đại nội, nhất là trong Tử cấm thành. Họ làm những việc hầu hạ, phục vụ nhà vua, đặc biệt là liên hệ với các cung phi mỹ nữ. Một số khác được cử lên các lăng tẩm để hầu hạ các vương phi đang chịu tang. Rất ít Thái giám trở thành trụ cột triều đình như Lê Văn Duyệt.
Các Thái giám có cách ăn mặc y phục riêng, theo quy định để dễ phân biệt với văn võ bá quan. Thường thường họ mặc áo xám hoặc áo xanh có một bông hoa ở trước ngực (gọi là bào thụ) bên ngoài khoác áo quốc thụ. Mũ cũng khác các quan. Vì cơ thể không như bình thường, nên giọng nói, dáng điệu, cử chỉ, tính tình của họ cũng đổi khác. Bước chân họ đi thoăn thoắt, giọng nói the thé âm sắc như phụ nữ. Người ốm thì gầy như bộ xương khô, kẻ mập thì phù mà da thịt thì nhão nhẹt. Cằm không có râu hoặc có vài sợi lún phún.
Cũng có khi tuyển chọn không kỹ, nên cũng có một vài Thái giám...dỏm, nghĩa là họ vẫn còn khả năng ...truyền giống ! Vì vậy mà sinh ra nhiều chuyện gian dâm trong thâm cung bí sử. (Ở Trung Quốc thời xưa có Thái giám dỏm đã quan hệ tình dục với trên trăm cung nữ, hoặc có hàng chục, hàng trăm phi tần chưa hề một lần chăn gối với nhà vua mà đã... không còn con gái!).
Trở lại với Thái giám Lê Văn Duyệt. Lúc ông đang làm Tả quân thời vua Gia Long, một hôm xem diễn tuồng, trên sân khấu có hai tên hề đang bông lơn với nhau. Tên này đố tên kia :
_ Ta đố mi, vật gì lại vừa đực lại vừa cái ?
Nghe thế Lê Văn Duyệt nghĩ là nó lỡm mình là một hoạn quan, ông bèn sai tên lính cầm gươm nhảy lên sân khấu nạt rằng :
_ Nếu mi không giải được câu đố thì sẽ bị chém đầu.
Tên hề vẫn tỏ ra bình tĩnh bông lơn tiếp :
_ Ta đố dễ thế mà mi không trả lời được à ? Nó là "con thằn lằn" vừa con, vừa thằng, rứa không phải là vừa đực vừa cái là chi nữa.
Tá quân Lê Văn Duyệt phì cười mà tha tội .
Các vị Thái giám đều á nam á nữ, nhưng họ vẫn có những tình cảm yêu thương như mọi người. Họ vẫn có ý thực về nỗi cô đơn, cô độc trong đời, nhất là khi nghĩ về già thiếu người bạn đời bên cạnh. Vì vậy cũng có những đôi "uyên ương thái giám" để bầu bạn tâm sự, hoặc họ xin con nuôi để mai sau có người phụng thờ hương khói. Tả quân Lê Văn Duyệt có người con nuôi là Lê Văn Khôi chẳng hạn. Một số khác xây dựng, trùng tu ngôi chùa Từ Hiếu ở Huế để được phụng thờ.
ĐỜI SỐNG CỦA CÔNG CHÚA VÀ HOÀNG TỬ

Từ khi sinh cho đến lúc trưởng thành, các Công chúa và Hoàng tử đều được ở trong khu vực Đại nội (ngoài Tử cầm thành) gồm vườn Cơ Hạ, điện Khâm Văn gần phủ Nội vụ. Đến năm tròn 18 tuổi, các Hoàng tử được "xuất phủ" , tức là được nhà vua chu cấp tiền bạc cho ra ở ngoài Đại nội, lập phủ riêng.
Thời nhỏ, các Hoàng tử được vua cha cử thấy dạy văn, võ để có khả năng toàn diện sau này kế nghiệp hoặc làm quan. Trong những lúc rỗi rảnh, các Hoàng tử thường xuyên hoạ thơ văn hoặc vui chơi giải trí. Chẳng hạn 3 Hoàng tử anh em Miên Thẩm, Miên Trinh, Miên Bửu (con vua Minh Mạng) đều là những "thi nhân" có tiếng tăm, thường cùng nhau xướng hoạ. Trong những ngày tết, các ông Hoàng bà Chúa thường say mê trò chơi "bài vụ" truyền thống. Đây là trò chơi bình dân, giản dị, không chi hấp dẫn tuổi trẻ mà các vị Hoàng thân Quốc thích cũng rất ưa chuộng.
Các Hoàng tử, Công chúa khi đến tuổi cập kê đều được Phụ hoàng, Mẫu hậu chú ý tìm nơi xứng đáng để dựng vợ gả chồng.

CÔNG CHÚA LẤY CHỒNG
Nếu người con gái dân thường đi lấy chồng gọi là "xuất giá" thì công chúa đi lấy chồng gọi là "hạ giá" (hạ là dưới, giá là gả con cho một kẻ có địa vị thấp hơn). Người chồng của công chúa được gọi là Phò mã (chiếc xe ngựa theo hầu xe vua), được phong chức Đô uý, chức quan Tam phẩm, trông coi các loại xe ngựa đi hầu vua. Vì vậy còn gọi là Đô uý Phò mã.
Các công chúa từ năm 16 tuổi (tuổi trăng tròn) thì nhà vua lệnh cho nội thần, phái cho tư bộ Lại, bộ Binh biết để lập bản danh sách 5 người, con cháu của các quan lại uy tín để nhà vua "chọn mặt gởi vàng". Chàng rể tương lai phải có lý lịch rõ ràng, phải "văn, võ song toàn" , khoẻ mạnh. Sau khi nhận được bản danh sách 5 người, vua cử một vị Hoàng thân làm chủ hôn, một đại thần sung chức chiếu liệu hôn lễ. Cả hai vị này đều có vợ chồng song toàn, con cái đông đúc mới đủ tư cách chọn "khách đông sàng". Chọn được chàng rể tương lai cho vua xong cả hai vị tâu trình nhà vua biết.
Khi chàng Phò mã tương lai đã lọt vào mắt xanh của vua, Ngài sẽ ban cho giai tế 3000 quan để lập phủ "tổ ấm". Ban thêm 3000 quan để sắm sửa tất cả mọi phương tiện ăn ở, sinh hoạt đi lại...cho cuộc sống mới của đôi vợ chồng. Sau đó, nhà vua sai khâm thiên giám chọn ngày lành tháng tốt để thông báo cho triều đình rõ. Ông chủ hôn sẽ báo cho nhà trai biết để lập hương án đón tiếp sứ giả của nhà vua. Sứ giả sẽ lên tiếng :"Hoàng đế quyết định gả công chúa... cho Phò mã...con Ông... và Bà... Hôn lễ sẽ cử hành ngày...tháng...năm..."
Tiếp theo, thân phụ và thân mẫu Phò mã sẽ vào cung chầu vua, lạy nhà vua, hoàng hậu. Hoàng Thái hậu để tạ ơn.
Khâm thiên giám chọn 3 ngày tốt, tâu nhà vua chuẩn y để tiến hành hôn lễ. Mỗi ngày 2 lễ, tổng cộng là 6 lễ : Nạp thái, Vấn danh, Nạp trung, Nạp cáo, Điện nhạn, Thân nghinh. Mỗi lễ, nhà trai đều có phẩm vật riêng để tặng cô dâu. Chẳng hạn lễ vật nạp thái gồm : một con trâu, một con heo, hai vò rượu, một mâm trầu cau, hai cây gấm, mười cây lụa, bốn nén vàng, hai chuỗi hạt ngọc, mười sáu nén bạc.
Trong trường hợp nhà trai nghèo thì nhà vua có thể miễn hoặc giảm số phẩm vật của 6 lễ.
Các phẩm vật có thể đem vào nội, có thứ dâng vua hoặc đưa đến nhà chủ hôn. Các thứ trang sức vàng bạc, lụa là... đều chuyển lại cho công chúa nhận.
Trước lúc cử hành lễ cưới, nhà vua đã cho cáo yết các lăng miếu cho các đấng thiên vương rõ. Ba ngày trước, công chúa đã đi lạy các miếu, lạy Hoàng hậu, Hoàng Thái hậu.
Hôm rước dâu, Phò mã vào lạy vua 5 lạy, dâng vàng bạc xin đón dâu. Nhà vua ban lời giáo huấn xong, Phò mã ngồi chờ. Công chúa nghe lời khuyên nhủ của vua cha, được nhà vua bảo nữ quan rót chén rượu mừng. Công chúa lạy 5 lạy tạ ơn rồi cũng sang lạy từ giã Hoàng hậu.
Cuối cùng đoàn rước dâu của nhà trai làm đủ các nghi thức rồi đón công chúa lên kiệu về phủ mới. Sau tiệc rượu khoản đãi thực khách hai họ, chọn đúng giờ tốt, hai vợ chồng làm lễ hợp cẩn, ăn chung mâm tơ hồng, cùng uống rượu trong hai cái chén làm bằng một quả bầu cắt đôi.
Hôm sau, công chúa ra mắt nhạc phụ, nhạc mẫu, lạy chung hai người bốn lạy.
Ngày thứ ba cô dâu đi lạy nhà thờ bên chồng. Ngày thứ chín hai vợ chồng trở vào Đại nội lạy mừng đức vua và hoàng hậu. Dịp này vua ban cho Phò mã áo quần triều tam phẩm, hai cây gấm màu và hai bộ yên cương. Từ đây, chàng rể chính thức trở thành quan Phò mã Đô uý.
HOÀNG TỬ NẠP PHI (LẤY VỢ)
Từ năm lên 18 tuổi, các Hoàng tử đều được xuất phủ (ra ở ngoài thành), có cơ ngơi và một số quan văn, võ , lính hầu giúp việc, có lương bổng của triều đình. Và cũng từ đó, vua cha bắt đầu lo việc gia thất cho con. Sau những lần bãi triều hoặc những lúc dạo chơi với các quan, nhà vua hỏi thăm trong số các quan có người nào muốn gả con cho Hoàng tử không. Khi đã có một vị quan nhận lời, nhà vua bắt đầu tính chuyện hôn lễ cho Hoàng tử.
Trước hết, vua chọn hai vị đại thần đẹp lão, có vợ chồng con gái đùm đề sung vào các chức Chánh, Phó sứ và thông báo cho triều đình rõ về thời gian tổ chức hôn lễ cho Hoàng tử. Hai vị quan lãnh mạng, vị Chánh cầm mao tiết cùng Phó sứ và tuỳ tùng có tàng lọng cờ quạt đi đến nhà gái truyền chỉ của nhà vua : "thứ" (hoặc trưởng) nữ của quan..kết duyên với Hoàng tử...vào ngày... sẽ tiến hành hôn lễ. Ông quan "sui gia" quỳ lạy 5 lạy để lãnh mạng. Sau đó nhà gái mở tiệc rượu khoản đãi.
Theo lệnh nhà vua , khâm thiên giám chọn ngày giờ tốt để tổ chức hôn lễ. Bộ Lễ sắm sửa lễ vật gồm : 2 thỏi vàng, 4 thỏi bạc, 2 cây gấm, 6 cây lụa, 20 cây vải, 1 đôi xuyến, 1 đôi hoa tai, 1 bộ trâm vàng, 2 chuỗi hạt châu, 1 con trâu, 1 con bò, 1 con heo (các con vật, cũi , dây cột đều sơn đỏ).
Đến ngày nạp lễ , đoàn người rước dâu gồm có : hai quan Chánh, Phó sứ, vài vị đại thần và phu nhân, quân lính gánh phẩm vật. Tất cả đi đến nhà gái và dừng trước rạp. Quan "sui gia" ra rước đoàn vào nhà. Mao tiết, tráp thiếp và lễ vật đều để trên bàn, trâu bò heo để ngoài sân. Quan Chánh, Phó sứ đứng hai bên tả hữu hương án. Quan cha vợ Hoàng tử đứng giữa và sau đó lạy 5 lạy. Quan Chánh sứ trao tráp vàng bạc, Phó sứ trao hòm thiếp, gia chủ nhận cung kính và lạy tạ 5 lạy.
Sau lễ nạp thái và các nghi lễ khác, đặc biệt là lễ phát sách trước khi cô dâu từ giã gia đình cha mẹ để về nhà chồng. Nhà vua cho làm một quyển sách bằng vàng (kim loại) nói về cuộc hôn phối của cô dâu với Hoàng tử, đồng thời ghi lý lịch của hai người, sắm cho cô dâu mũ, áo , giày và chiếc kiệu.
Ở nhà cô dâu đã bày sẵn hương án để đặt kim sách. Rồi đọc kim sách. Đọc xong một vị nữ quan giao kim sách cho cô dâu giữ. Cô dâu nhận kim sách cung kính rồi giao lại cho nữ quan khác cầm. Cuối cùng cô dâu lên ngồi trên cái ghế để cho các bà mạng phụ phu nhân và thị tý lạy mừng bà phi. Xong lễ, một bữa tiệc do nhà gái khoản đãi thực khách rồi đám rước đưa cô dâu về phủ của ông Hoàng.
Hôm sau cha mẹ của cô dâu vào cung để tạ ơn đức vua và hoàng hậu đã có lòng kết làm "sui gia".
Đằng sau những lễ nghi phức tạp, nặng nề của cung đình về việc tổ chức vu quy, tân hôn cho Công chúa và Hoàng tử là cuộc sống mới của đôi tân giai nhân và tân lang. Cuộc sống này hạnh phúc hay không đều không bắt đầu từ tình yêu của họ. Phải chăng tình yêu sẽ đến sau hôn nhân ?

TẾT NGUYÊN ĐÁN VÀ CUỘC DU XUÂN THƯỜNG NIÊN
Hoàng cung tổ chức lễ Tết Nguyên đán
Trước ngày 30 tháng chạp một tháng, trong hoàng cung đã tổ chức lễ Ban sóc (phân phát lịch năm mới cho các quan) và lễ Phất thức (các quan đại thần lau chùi các ấn ngọc, ấn vàng, kim sách, ngân sách...) . Đến ngày 30 tháng chạp, bộ Lễ cử người mang phẩm vật đi cúng ở các lăng miếu ; các Hoàng thân, Tôn tước đến chùa làm lễ. Các chùa và công thự bắt đầu lên nêu.
Tại điện Thái Hoà thiết đại triều, điện Cần Chánh thiết thường trièu. Từ sáng sớm, khi trống nghiêm hồi thứ nhất, viên quản vệ giàn bày cờ quạt , nghi trượng. Lính nhạc sắp hàng ở điện Thái Hoà voi ngựa đứng hầu ngoài cầu Kim Thuỷ. Trống lần thứ hai, hoàng thân, đại thần văn võ bá quan mặc đại triều theo phẩm trật vào chực trong sân điện Thái Hoà. Hồi trống thứ ba vua đội mũ cửu long, mặc áo hoàng bào cầm hốt ngự ra điện Cần Chánh. Nghe xướng "Xin thánh thượng ngự lên xe giá", nhà vua lên kiệu. Nhạc trỗi lên, quân túc vệ, ngự lâm cầm cờ quạt, nghi trượng rước vua sang điện Thái Hoà. Trên lầu Ngọ Môn nổi chuông trống rồi 9 phát lệnh, đại nhạc nổi lên. Vua xuống kiệu, ngự toà, nhạc ngừng.
Các quan lạy 5 lạy mừng rồi quỳ xuống nghe đọc "tấn hạ biểu". Đọc xong, nhạc trỗi , các quan lạy 5 lạy nửa rồi bình thân. Quan tham tri bộ Lễ tâu "Lễ Nguyên đán cáo thành" thì đại nhạc nổi, ca sinh tấu khấu hoà bình, vua lên kiệu về điện Cần Chánh. Thái giám dẫn các hoàng đệ, Hoàng tử nhỏ tuổi đến lạy mừng 5 lạy. Lễ xong vua truyền chỉ ban yến và tiền thưởng Xuân.
Mồng một Tết, ban yến cho hoàng thân, Hoàng tử quan văn, võ từ tứ phẩm trở lên ở điện Cần Chánh và nhà Tả, Hữu vu.
Mồng hai, vua và hoàng hậu, các quan đại thần lạy ở điện Phụng Tiên. Xong lễ ban yến cho các quan từ ngũ phẩm trở xuống, qua Phủ Doãn Thừa Thiên...
Tiền thưởng Xuân cho các hoàng thân, Hoàng tử, mỗi người được 20 lạng bạc, còn các quan tuỳ theo phẩm trật, chức tước mỗi người được một lạng đến 12 lạng bạc.
Lễ Tết Nguyên đán kéo dài đến ngày mồng 7 mới hạ nêu.

CUỘC DU XUÂN THƯỜNG NIÊN
Tương truyền từ đời Lê, nhà vua đã có lệ du Xuân trong ngày mồng một tết. Sáng sớm vua thay y phục mới, thiết triều để các hoàng thân và văn võ bá quan chúc mừng rồi bắt đầu du xuân.
Đến đời nhà Nguyễn, hình như đã quên lệ ấy. Mãi đến triều vua Đồng Khánh mới tổ chức lại các cuộc du xuân thường niên.
Các đời vua sau đó như Thành Thái, Duy Tân, Khải Định đều có cả. Thực chất của cuộc du xuân là để thay đổi không khí trong dịp xuân về. Quanh năm trong bốn bức tường của hoàng thành cũng lắm chuyện ngột ngạt, nhất là chịu sự ức hiếp, áp bức của chính phủ thực dân Pháp. Vả lại phong cảnh hữu tình của cố đô Huế có sức hấp dẫn vô cùng, nhất là đối với những người trong cung cấm, ít khi có được khoảng trời xanh để hít thở không khí trong lành...
Không chỉ nhà vua mà cả các hoàng thân, văn võ đại thần và cung phi mỹ nữ đều được tham dự những cuộc du xuân trên các thuyền rồng rực rỡ. Dòng sông Hương, núi Ngự Bình, lăng tẩm, đền đài tiền nhân... làm cho buổi du xuân thêm phần ý nghĩa. Lễ du xuân trở thành một nhu cầu trong dịp Nguyên đán có lẽ vì thế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét